Mất nước Ngô_Phù_Sai

Nước Ngô bị quân Việt xâm lấn, mất thế tử, khí thế giảm sút. Quân Ngô theo Phù Sai đi đường xa mỏi mệt, bị quân Việt đánh bại. Phù Sai phải mang nhiều của cải sai sứ sang giảng hòa với nước Việt. Tuy được giảng hòa nhưng nước Ngô đã suy yếu hẳn trong khi nước Việt vẫn không ngừng lớn mạnh.

Năm 478 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh Ngô. Hai bên giáp trận ở Lập Trạch. Những người mạnh khỏe, hăng hái đều đã chết ở nước Tề, nước Tấn[7]. Vì vậy quân Ngô đại bại. Cũng cùng thời gian này, lợi dụng nước Ngô đã vô cùng suy yếu, nước Sở đem quân qua xâm chiếm và đoạt nhiều thành trì cùng đất đai của nước Ngô.

Năm 476 TCN, Câu Tiễn lại đánh Ngô, quân Ngô lại bại trận. Năm 475 TCN, Câu Tiễn lại mang quân đánh, vây nước Ngô. Đến tháng 11 năm 473 TCN, quân Việt đại phá quân Ngô. Ngô Phù Sai sau nhiều lần bại trận không còn khả năng kháng cự, bị quân Việt vây hãm trên núi Cô Tô.

Ông sai Công Tôn Hùng sang xin Câu Tiễn giảng hòa như ông đã tha Câu Tiễn trước đây. Câu Tiễn định nghe theo nhưng Phạm Lãi phản đối, nhắc lại chuyện bại trận ở Cối Kê của nước Việt. Vì vậy Câu Tiễn không cho Ngô giảng hòa, định chiếm hết nước Ngô và đày ông ra đất Dũng Đông, cho 100 nhà ăn lộc.

Phù Sai thấy nhục nhã không thể chấp nhận. Ông hối hận không nghe lời Ngũ Viên trước đây[8], dùng dao cắt cổ mà chết[8].

Phù Sai ở ngôi tất cả 23 năm, không rõ bao nhiêu tuổi. Ông được Câu Tiễn sai người mang chôn cất. Nước Ngô bị nước Việt tiêu diệt. Phù Sai trở thành vị vua cuối cùng của nước Ngô.